Vitamin và khoáng chất rất cần thiết để đạt được sức khỏe tối ưu. Mặc dù cơ thể chúng ta có thể tổng hợp một lượng nhỏ các vi chất dinh dưỡng này, nhưng đa phần phải được đưa vào cơ thể thông qua các nguồn thực phẩm để đạt đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết.
Tại sao chúng ta cần Vitamin và khoáng chất?
Vitamin và khoáng chất có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể như hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng, hỗ trợ cấu trúc tế bào... Sự thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, khiến cơ thể mệt mỏi và nổi mụn trên da.
Vitamin A
Tác dụng
Chức năng chính xác nhất của vitamin A vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, tầm quan trọng của vitamin A đối với mắt đã được kiểm chứng. Vitamin A cần thiết cho tầm nhìn ban đêm và sự phân biệt màu sắc.
Vitamin A cũng có thể có vai trò đối với làn da khỏe mạnh của bạn và chúng thường được sử dụng trong điều trị tại chỗ như loại 'retinol' nổi tiếng.
Nguồn cung cấp Vitamin A
Vitamin A có thể được tìm thấy trong các thức ăn từ động vật và thực vật. Trái cây và rau củ có màu sắc rực rỡ thường chứa nhiều vitamin A.
- Ớt - màu đỏ tươi và màu vàng của ớt chuông cho thấy có hàm lượng beta-carotene (tức là vitamin A) cao. Các loại trái cây và rau quả khác có nhiều vitamin A bao gồm cà chua và khoai lang.
- Rau lá xanh đậm – mặc dù không có màu sắc rực rỡ nhưng các loại rau có lá xanh đậm như rau bina và cải xoăn là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Hãy thử thêm một ít rau bina sống vào món sinh tố để tăng thêm chất dinh dưỡng.
- Gan – gan và pate gan là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin A nhất vì gan là nơi dự trữ loại vitamin này. Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo và cần chất béo trong chế độ ăn uống để được hấp thụ và lưu trữ một cách tốt nhất.
- Các sản phẩm từ sữa – sữa, sữa chua và pho mát đều là những nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Ngoài ra, chúng còn chứa các loại vitamin và khoáng chất khác như canxi và vitamin D.
- Trứng – trứng là nguồn cung cấp tất cả các loại vitamin (ngoại trừ vitamin C). Trứng chứa axit béo omega 3, có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A.
Vitamin B
Tác dụng
Có 8 loại vitamin B, mỗi loại đóng một vai trò khác nhau trong cơ thể. Nhiều loại vitamin B tham gia vào quá trình tạo năng lượng trong tế bào. Các vitamin B giúp phá vỡ các axit amin (các khối xây dựng của protein) và cũng giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Nguồn cung cấp Vitamin B
Vitamin B12 chỉ có thể được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật. Do vậy, những người theo chế độ ăn thuần chay sẽ cần bổ sung thêm vitamin này hàng ngày.
- Các loại đậu - có thể tìm thấy nhiều loại vitamin B khác nhau trong mỗi loại đậu. Tuy nhiên, vitamin B1 và vitamin B9 thường được tìm thấy nhiều nhất trong các loại thực phẩm này.
- Ngũ cốc tăng cường – ngũ cốc ăn sáng tăng cường vitamin B thường có thể được sử dụng để tăng lượng vitamin B1 (thiamine) và B9 (axit folic) hàng ngày. Cháo yến mạch là nguồn cung cấp vitamin B2 (riboflavin).
- Bơ đậu phộng – trong khi đậu phộng là một loại đậu cung cấp nhiều vitamin B1 và vitamin B9 như đã đề cập ở trên, bơ đậu phộng lại có hàm lượng vitamin B3 (niacin) cao hơn. Nó cũng là một nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và canxi.
- Cá – vitamin B1 (thiamine) có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại cá. Tuy nhiên, vitamin B3 (niacin) có nhiều trong cá hồi và cá ngừ.
- Rau lá xanh đậm – những loại rau này là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tổng thể. Khi nói đến vitamin B, rau lá có màu xanh đậm là nguồn cung cấp vitamin B9 (axit folic).
Vitamin C
Tác dụng
Vitamin C nổi tiếng với đặc tính tăng cường miễn dịch, đóng vai trò trong cả hệ thống miễn dịch tức thời lẫn hệ thống miễn dịch lâu dài. Vitamin C cần thiết cho các tế bào miễn dịch để ngăn chặn và tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn xâm nhập.
Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng đối với làn da khoẻ mạnh, với lượng vitamin C thấp có tác dụng với da già hoặc da bị tổn thương.
Nguồn cung cấp Vitamin C
Sự thật là tình trạng thiếu vitamin C lần đầu tiên được phát hiện ở các thủy thủ trong thế kỷ 15-19 khi việc tiếp cận trái cây và rau quả tươi trên tàu bị hạn chế.
- Rau lá xanh đậm – rau bina, cải xoăn, bắp cải và bông cải xanh đều có nhiều vitamin C. Vitamin C có thể tan vào nước khi nấu ăn, vì vậy hãy cẩn thận không nấu quá chín những loại rau này.
- Các loại quả mọng - dâu tây, mâm xôi và lý chua đen đều là nguồn cung cấp có nhiều vitamin C.
- Trái cây có múi – có lẽ là nguồn cung cấp vitamin C được biết đến nhiều nhất. Các loại trái cây có múi như cam, chanh và bưởi đều có thể được sử dụng như một nguồn cung cấp vitamin C trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Kiwi – một nguồn vitamin C đáng kinh ngạc, một quả kiwi vừa chứa nhiều vitamin C hơn một chén quả mọng.
- Ớt chuông – ớt chuông đỏ là nguồn thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao nhất, đánh bại cả các loại trái cây có múi. Một phần 70g ớt chuông đỏ chưa chế biến chứa đủ 100% nhu cầu vitamin C hàng ngày của bạn.
Vitamin D
Tác dụng
Vitamin D có nhiều vai trò khác nhau. Nó cần thiết để hỗ trợ và cân bằng lượng canxi trong cơ thể, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Hàm lượng vitamin D thấp có liên quan đến khả năng miễn dịch và mức độ sức khỏe tâm thần kém.
Vitamin D cũng cần thiết cho quá trình chuyển hóa năng lượng. Sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi và khó tập trung.
Nguồn cung cấp Vitamin D
Nguồn vitamin D chính là từ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nhiều sản phẩm từ động vật có chứa vitamin D. Các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt thường được tăng cường vitamin D vào ở bước cuối cùng khi tạo ra sản phẩm.
- Cá chứa nhiều dầu – nguồn cung cấp vitamin D dồi dào bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích và cá mòi. Nên ăn ít nhất một phần cá chứa nhiều dầu mỗi tuần.
- Ngũ cốc tăng cường - nhiều loại ngũ cốc ăn sáng có bổ sung vitamin D để giúp tăng lượng vitamin D trong cơ thể.
- Trứng – một quả trứng chứa gần 2 microgam vitamin D. Một phần trứng khuấy (scrambled egg) chứa hai quả trứng và bánh mì tăng cường vi chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho bạn gần một nửa nhu cầu vitamin D hàng ngày.
- Thịt đỏ – Thịt bò và thịt cừu đều có nhiều vitamin D và có thể đóng góp vào lượng tiêu thụ hàng ngày của bạn. Gan cũng chứa nhiều vitamin D nhưng nên tránh ăn gan trong thời kỳ mang thai do hàm lượng vitamin A cao trong gan.
- Thực phẩm chức năng bổ sung hàng ngày – mọi người nên bổ sung 10 microgam vitamin D hàng ngày trong những tháng mùa đông hoặc đối với những người làm việc trong môi trường thiếu ánh mặt trời.
Vitamin E
Tác dụng
Vitamin E có đặc tính chống viêm rất tốt – giúp bảo vệ chống lại tác hại do các gốc tự do gây ra. Vitamin E cũng đóng vai trò trong gen, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và mạch máu.
Nguồn cung cấp Vitamin E
Quả hạch, hạt và dầu chứa nhiều vitamin E nhất; nó là một loại vitamin tan trong chất béo và cần những nguồn chất béo lành mạnh này để chuyển hóa.
- Hạt hướng dương – hạt hướng dương có hàm lượng vitamin E cao nhất so với các loại hạt khác. Tương tự, dầu hướng dương cũng có thể được sử dụng như một nguồn cung cấp vitamin E.
- Các loại hạt - quả phỉ, hạnh nhân và đậu phộng ở cả dạng thô và bơ hạt đều là nguồn cung cấp vitamin E hợp lý. Bơ đậu phộng cũng là nguồn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất khác.
- Rau lá xanh đậm – vitamin E, cùng với nhiều loại vitamin khác, có thể được tìm thấy trong các loại rau có lá xanh đậm như rau bina và bông cải xanh. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các loại vitamin khác, hàm lượng vitamin E trong rau bina nấu chín cao hơn so với rau sống.
- Bơ – loại trái cây này không chỉ chứa vitamin E mà còn chứa vitamin C, K và B6. Bơ cũng là một nguồn axit béo omega-3, kali và magiê.
- Trái cây nhiệt đới – Xoài và kiwi chứa nhiều vitamin E hơn trái cây ăn quả như táo và lê. Vỏ kiwi cũng là một nguồn chất xơ tuyệt vời nên không cần phải loại bỏ vỏ trước khi ăn (chỉ cần rửa nhanh).
Vitamin K
Tác dụng
Vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo, chịu trách nhiệm cho quá trình đông máu hoạt động đúng. Máu cần vitamin K để tạo độ dính, cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương.
Vitamin K cũng cần thiết cho sự hình thành một số protein liên quan đến việc duy trì cấu trúc xương – thiếu vitamin K có thể dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Nguồn cung cấp Vitamin K
Vitamin K có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây, rau và các sản phẩm làm từ dầu.
- Rau lá xanh đậm – có lẽ bạn đã nhận ra rằng rau lá có màu xanh đậm là nguồn cung cấp hầu hết các loại vitamin. Khi nói đến vitamin K, rau bina, bông cải xanh, cải xoăn và rau cải xanh đều là những lựa chọn tốt.
- Đậu nành lên men (natto) – đây là món ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ đậu nành. Thường không phổ biến lắm ở bên ngoài văn hóa Nhật Bản do mùi của nó, tuy nhiên, vi khuẩn có lợi được thêm vào làm cho thực phẩm này tốt cho đường ruột của bạn, đồng thời cũng là nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời.
- Đậu edamame - nếu natto không phải là một lựa chọn khả thi cho bạn thì đậu edamame cũng có thể được sử dụng như một nguồn cung cấp vitamin K. Chúng có thể được sử dụng để thêm nhiều màu sắc cho các món xào và salad, đồng thời cũng được coi là một nguồn cung cấp vitamin K và chất đạm.
- Sản phẩm từ sữa – một lượng nhỏ vitamin K có thể được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là pho mát và sữa.
- Dầu – vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo và thường có thể được tìm thấy trong dầu và nước xốt salad. 1 muỗng canh dầu ô liu chứa khoảng 8 microgam vitamin K, trong khi dầu hạt cải chứa khoảng 10 microgam.
Omega 3
Tác dụng
Omega 3 là một loại axit béo không bão hòa (chất béo tốt) chỉ có thể thu được thông qua các nguồn thực phẩm. Omega-3 cần thiết cho hoạt động và cấu trúc tế bào, đặc biệt là duy trì thành mạch máu. Omega-3 cũng có thể được sử dụng để điều hòa phản ứng viêm.
>> Omega-3 tăng cường trí não cho người trung niên
Nguồn cung cấp Omega 3
Thực phẩm có chứa dầu tự nhiên thường là nguồn cung cấp axit béo omega-3.
- Tảo – hầu hết các chất bổ sung omega-3 thuần chay đều chứa tảo (nguồn omega-3 tự nhiên). Tảo là một loại rêu biển đã được sử dụng từ hàng ngàn năm nay như một nguồn dinh dưỡng cho con người.
- Hạt lanh (Flaxseed) và Dầu hạt lanh - những sản phẩm này không chỉ chứa nhiều omega-3 mà còn cả omega 6 và 9. Hạt lanh thường được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe tim mạch vì nó cũng là một nguồn chất xơ tuyệt vời.
- Cá chứa nhiều dầu – cá hồi, cá thu, cá tuyết và hàu đều có nhiều axit béo omega-3. Dầu gan cá tuyết là một chất bổ sung phổ biến được sử dụng để tăng lượng omega-3 trong cơ thể.
- Các loại hạt – hạnh nhân, quả phỉ và quả óc chó đều là nguồn cung cấp omega-3. Hầu hết các loại hạt đều chứa chất béo không bão hòa. Tuy nhiên, các loại hạt 'có nhiều bơ hơn' như hạt điều hoặc hạt brazil chứa lượng chất béo bão hòa (chất béo xấu) cao hơn.
- Hạt Chia – giống như hạt lanh, hạt chia có nhiều loại omega và chất xơ. Thêm một thìa hạt chia hoặc hạt lanh vào bát sinh tố hoặc yến mạch là một cách dễ dàng để tăng lượng hàm lượng chất xơ và omega.
Canxi
Tác dụng
Canxi rất quan trọng để duy trì cấu trúc của xương và răng. Nếu không có canxi, xương của chúng ta sẽ trở nên giòn và mềm, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Canxi cũng rất quan trọng đối với nhiều chức năng của tế bào bao gồm co cơ, duy trì nhịp tim đều đặn và vận chuyển hormone.
Nguồn cung cấp Canxi
Canxi chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa, tuy nhiên, một số loại rau, quả hạch và đậu cũng chứa một lượng canxi hợp lý trong mỗi khẩu phần.
- Sữa – cả sữa nguyên chất và sữa tách béo đều là nguồn cung cấp canxi tốt. Một khẩu phần sữa 250ml chứa khoảng 270-290mg canxi.
- Sữa chua - một sản phẩm từ sữa khác có hàm lượng canxi cao, một hộp sữa chua nhỏ chứa lượng canxi tương đương với một khẩu phần sữa.
- Sữa đậu nành – trong khi nhiều loại sữa có nguồn gốc từ thực vật được bổ sung thêm canxi, thì sữa đậu nành có hàm lượng canxi cao nhất. Nó chứa một lượng canxi tương tự như sữa bò, với khoảng 250mg canxi trong một khẩu phần 250ml.
- Phô mai – tùy thuộc vào loại phô mai, một phần 130g có thể chứa 200-225mg canxi. Thêm một ít phô mai bào vào súp hoặc salad là một cách tốt để tăng cường canxi cho bữa ăn.
- Cá mòi đóng hộp – điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng một phần 85g cá mòi đóng hộp chứa một lượng canxi khổng lồ 325mg, nhiều hơn bất kỳ nguồn sữa nào. Cá mòi cũng có nhiều axit béo omega.
Sắt
Tác dụng
Thiếu sắt là tình trạng thiếu chất dinh dưỡng phổ biến nhất, có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, khó thở và mệt mỏi. Sắt cần thiết cho việc vận chuyển protein và oxy trong cơ thể.
Nhu cầu sắt thường cao hơn ở phụ nữ, vì sắt có thể bị mất trong thời kỳ kinh nguyệt. Nhu cầu về sắt cũng cao hơn trong thời kỳ mang thai và cho con bú do nhu cầu cung cấp máu cho em bé tăng lên.
Nguồn cung cấp Sắt
Có hai loại sắt là sắt heme và sắt non-heme. Sắt heme thường được tìm thấy trong các sản phẩm động vật và có thể dễ dàng hấp thụ hơn. Sắt non-heme có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, cả sản phẩm từ thực vật lẫn động vật.
- Thịt đỏ – thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt heme dễ hấp thu phổ biến nhất. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và một số bệnh ung thư. Khuyến cáo không nên ăn quá 70g thịt đỏ mỗi ngày.
- Các loại đậu - hầu hết các loại đậu đều chứa cả sắt và protein. Sắt từ những loại thực phẩm này có thể khó hấp thụ hơn do có các hợp chất phytate.
- Trái cây sấy khô – trái cây sấy khô như chà là và quả mơ là nguồn cung cấp chất sắt đáng kể. Hơn nữa, những loại trái cây này thường có nhiều chất xơ và có thể được sử dụng để giúp duy trì thói quen đi tiêu đều đặn.
Kẽm
Tác dụng
Kẽm đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của da, đặc biệt là độ ẩm da. Không có kẽm, da dễ bị khô, bong tróc vảy và ngứa. Kẽm cũng cần thiết trong ruột để hình thành nhu động ruột đúng cách. Ngoài ra, kẽm có vai trò trong cả khả năng miễn dịch và chuyển hóa năng lượng.
Nguồn cung cấp Kẽm
Bổ sung kẽm có thể giúp ích trong việc kiểm soát các tình trạng viêm da. Hơn nữa, hầu hết kẽm có thể thu được thông qua chế độ ăn uống cân bằng.
- Thịt – kẽm có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại thịt và các sản phẩm từ động vật. Thịt chứa nhiều kẽm nhất là thịt bò, tiếp theo là thịt lợn và gà tây.
- Động vật có vỏ - động vật có vỏ hay còn gọi là nghêu sò ốc hến ..., trong đó hàu chứa lượng kẽm nhiều nhất. Cua, tôm, cá mòi và cá hồi cũng chứa kẽm, cũng như các chất dinh dưỡng khác như axit béo omega.
- Các sản phẩm từ sữa – hầu hết các sản phẩm từ sữa chứa khoảng 1mg kẽm mỗi khẩu phần. Sữa cũng rất quan trọng đối với canxi và vitamin A.
- Ngũ cốc ăn sáng – hầu hết các loại ngũ cốc ăn sáng đều bổ sung kẽm. Tuy nhiên, yến mạch, gạo và bánh mì nguyên hạt cũng chứa một lượng kẽm hợp lý, đặc biệt là khi được tiêu thụ ở dạng nguyên hạt chứ không phải ở dạng chế biến.
- Các loại hạt – hạt bí ngô có hàm lượng kẽm đặc biệt cao, chứa 2,2mg kẽm mỗi 30g khẩu phần. Đậu phộng (và bơ đậu phộng) chứa ít hơn một chút, chỉ dưới 1mg trên 30g khẩu phần.
Magiê
Tác dụng
Magiê hoạt động như một đồng yếu tố trong nhiều phản ứng tế bào trong cơ thể. Điều này có nghĩa là nó hoạt động như một tế bào 'trợ giúp' cho các enzym, thường là cho quá trình tạo năng lượng. Gần đây, magiê đã được sử dụng như một chất bổ sung để giúp giảm căng thẳng và lo lắng, có thể là do đặc tính chống viêm của nó.
Nguồn cung cấp Magiê
Thiếu magiê sẽ không xảy ra nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt magiê có thể dẫn đến thiếu hụt các khoáng chất khác như canxi và kali.
- Các loại hạt – hầu hết các loại hạt là nguồn cung cấp magie tuyệt vời – một phần 30g hỗn hợp các loại hạt chứa gần 50mg magie. Trong số này, hạnh nhân có hàm lượng magie cao nhất, chứa 80mg magie trong mỗi phần 30g.
- Rau bina - giống như hầu hết các loại vitamin và khoáng chất, magie có thể được tìm thấy trong các loại rau lá có màu xanh đậm, đặc biệt là rau bina.
- Khoai tây – loại khoai tây khiêm thường ít được nói đến hàm lượng chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi ăn cả vỏ, một củ khoai tây vỏ vừa có chứa 48 mg magie.
- Các loại đậu – như đã đề cập ở trên, các loại đậu là nguồn cung cấp protein, cũng như nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Đậu pinto và đậu lăng có hàm lượng magiê đáng kể.
- Cám – thường được gọi là 'cám mảnh' hoặc 'cám lúa mì', loại thực phẩm này không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa một lượng lớn 60-90mg magiê mỗi khẩu phần (tùy thuộc vào loại cám).
Kali
Tác dụng
Kali rất cần thiết cho sức khỏe của tim. Nếu không có kali, màng bao quanh tim sẽ hoạt động không bình thường, dẫn đến nhịp tim bất thường và đánh trống (tim đập nhanh, đập thình thịch, đập nhanh từng chập hoặc ngưng một nhịp, thường khó chịu). Ngược lại, dư thừa kali cũng có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự.
Kali cũng được sử dụng trong quá trình sản xuất năng lượng của tế bào.
Nguồn cung cấp Kali
Kali thường được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây và rau quả cùng với các vitamin và khoáng chất khác.
- Chuối – loại trái cây này có lẽ là nguồn cung cấp kali được biết đến nhiều nhất. Đó cũng là lý do mà nhiều vận động viên chọn chuối làm bữa ăn nhẹ giữa trận. Một quả chuối trung bình chứa khoảng 420mg kali.
- Khoai tây - không chỉ là nguồn cung cấp magie dồi dào mà khoai tây nướng (ăn cả vỏ) còn là nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Một củ khoai tây cỡ trung bình chứa 738mg, đây là nguồn thực phẩm chứa kali nhiều nhất.
- Nước cam – trong khi hầu hết các nguồn vitamin và khoáng chất của thực phẩm được liệt kê ở dạng thực phẩm nguyên vẹn thì nước cam được ghi nhận là có hàm lượng kali cao nhất.
- Đậu Hà Lan – dù đông lạnh hay tươi, đậu Hà Lan là nguồn cung cấp cả kali và protein. Một phần 80g đậu Hà Lan chứa hơn 200mg kali.
- Cà chua – tương tự như nước cam, nước ép cà chua và các sản phẩm làm từ cà chua khác được liệt kê là có hàm lượng kali cao. Điều này bao gồm cà chua xay nhuyễn, rất tiện dụng và có thể tìm thấy trong nhiều món ăn.
Crom (Chromium)
Tác dụng
Mặc dù Crom thường được coi là một chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng người ta biết rất ít về chức năng của nó trong cơ thể. Chất dinh dưỡng 'thiết yếu' là chất dinh dưỡng phải được đưa vào như một phần của chế độ ăn uống để đạt đủ lượng do cơ thể không thể tổng hợp được lượng cần thiết cho hoạt động tối ưu.
Nguồn cung cấp Crom
Crom có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm và cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung.
- Marmite – cho dù bạn yêu hay ghét loại thực phẩm này, marmite là một nguồn crom tuyệt vời, chứa hơn 3 microgam mỗi khẩu phần. Marmite một món ăn mặn dựa trên chiết xuất nấm men khi nấu bia và là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia.
- Cà chua - cà chua và các sản phẩm làm từ cà chua đều chứa một lượng nhỏ crom. Nước ép cà chua và nước sốt cà chua đều được tính vào lượng crom hàng ngày của bạn.
- Thịt trắng – các loại thịt trắng như ức gà tây, thịt gà có ít chất béo và calo hơn so với thịt đỏ nhưng vẫn đóng vai trò là nguồn cung cấp crom.
- Chuối – loại trái cây đơn giản này chứa rất nhiều dinh dưỡng - không chỉ giàu kali mà còn chứa vitamin C, B6 và crom.
- Các loại trái cây khác – ai cũng biết rằng hầu hết các loại trái cây đều chứa vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, nho, cam và táo cũng có hàm lượng đáng kể về crom.
Tổng kết
Cơ thể chúng ta cần nhiều loại vitamin và khoáng chất để hoạt động. Bổ sung đầy đủ các loại này sẽ giúp tối ưu hóa sức khỏe và giúp bạn cảm thấy tốt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Có thể sử dụng thêm thực phẩm chức năng hoặc các chất bổ sung để có thể duy trì hoặc dùng như là một cách để tăng lượng vitamin và khoáng chất bị thiếu hụt.
Lưu ý là bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo - nó không được sử dụng để thay thế cho lời khuyên y tế. Do vậy, nếu bạn lo lắng về sức khỏe của mình, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn tốt nhất.