Vitamin D tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể, nếu thiếu hụt có thể dẫn đến yếu xương, khớp, đau mỏi cơ bắp, suy giảm miễn dịch.
Vitamin D tan trong chất béo, có chức năng làm tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (còn được gọi là cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol). Cholecalciferol và ergocalciferol có thể đưa vào cơ thể qua việc ăn uống hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung. Vitamin D còn được gọi là "vitamin ánh nắng" vì cơ thể có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là vitamin D3) ở da, khi da được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời.
>> Tác dụng của Vitamin D3 và cách sử dụng
Vitamin D tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể, hỗ trợ duy trì sức khỏe. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), người dưới 70 tuổi cần 600 IU (tương đương 15 mcg) mỗi ngày, trên 70 tuổi là 800 IU (tương đương 20 mcg). Cơ thể không nhận đủ vitamin D có thể tác động đến một số chức năng như
Còi xương
Vitamin D thường có trong các thực phẩm bổ sung canxi. Theo NIH, vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi. Do đó, bổ sung đủ vitamin D cùng canxi có thể ngăn ngừa chứng còi xương khi trẻ và chứng nhuyễn xương hay loãng xương khi già.
Suy giảm miễn dịch
Vitamin D hỗ trợ tăng cường miễn dịch, góp phần làm giảm phản ứng viêm liên quan đến bệnh tật, tăng protein miễn dịch để duy trì sức khỏe.
Những người có lượng vitamin D thấp dễ bị ho, cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ còi xương do thiếu vitamin D có khả năng nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ nhận đủ vitamin D.
Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi có thể do một số nguyên nhân, bao gồm cả thiếu vitamin D. Mệt mỏi do căng thẳng, trầm cảm và mất ngủ có thể dễ nhận biết nhưng thiếu vitamin D thường bị bỏ qua vì đây là nguyên nhân tiềm ẩn. Bổ sung vitamin này có thể giảm mệt mỏi ở những người bị thiếu hụt.
Trẻ em có lượng vitamin D thấp đôi khi có chất lượng giấc ngủ kém, thời gian ngủ ngắn hơn và giờ đi ngủ muộn.
Viêm da, nổi mụn
Nồng độ vitamin D thấp góp phần gây viêm nhiễm, làm tăng tình trạng mụn trứng cá và ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Ở người có mụn trứng cá, lượng vitamin D giảm làm tăng tiết dầu trên da. Thiếu vitamin này cũng góp phần gây bệnh viêm da dị ứng và vẩy nến.
Giảm cơ bắp
Cơ bắp cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mức vitamin D thấp. Thiếu vitamin này có liên quan đến giảm khối lượng cơ bắp, có thể gây té ngã và gãy xương khi về già.
Đau khớp
Người bệnh đau khớp hoặc viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng thiếu vitamin D. Bổ sung vitamin D3 làm giảm các dấu hiệu viêm.
Xét nghiệm máu là cách để biết chính xác tình trạng thiếu vitamin D. Hàm lượng trong khoảng từ 50 đến 125 nmol/L là an toàn, dưới 50 nmol/L là không đủ và trên 125 nmol/L có thể nguy hiểm.
Các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nấm, tắm nắng có thể cung cấp cho cơ thể dưỡng chất này. Tắm nắng 15-20 phút hai lần một tuần để cơ thể hấp thu "vitamin ánh nắng".