Mật ong - siêu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên

Mật ong - siêu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên

Từ chất giải độc thuốc trừ sâu đến chất kéo dài tuổi thọ, những lợi ích có trong mật ngọt của bầy ong lớn hơn nhiều so với chức năng đơn giản tự nuôi sống loài côn trùng cần cù này. 

Việc ong biết rõ về mật không có gì là ngạc nhiên. Chúng không chỉ làm ra mật, chúng còn tiêu thụ mật, và tiêu thụ một cách khá tinh vi. Chẳng hạn như nếu đưa cho một con ong bệnh các loại mật khác nhau, nó sẽ chọn loại mật giúp kháng bệnh tốt nhất. 

Vài thập kỷ trước, hầu hết các loại 'thực phẩm chức năng' đều không hề đề cập đến mật ong. Nhà côn trùng học May Berenbaum, thuộc Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, cho biết: "Ngay cả những người nuôi ong cũng xem nó không khác hơn nước đường."

Tuy nhiên, kể từ đó, khối lượng lớn các nghiên cứu đã cho thấy mật ong chứa nhiều chất thu thập được từ cây cỏ vốn ảnh hưởng đến sức khỏe của ong mật. Các thành phần này có thể giúp ong sống lâu hơn, tăng cường khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt như lạnh dữ dội và tăng cường khả năng chống nhiễm bệnh và chữa lành vết thương.

Các phát hiện này mở ra cách giúp đỡ loài ong, vốn đã bị tác động nặng nề do ký sinh trùng, đối mặt với thuốc trừ sâu và mất môi trường sống trong những năm gần đây.

 

Ong biết lấy mật từ khi nào?

Mật ong ngon ngọt khi phết lên lát bánh mì nướng hoặc đem pha trà, nhưng mật ong có giá trị hơn nhiều so với chức năng tạo ngọt.

Đầu tiên, mật ong là loại chất lỏng sền sệt với thành phần chủ yếu là đường, được các con ong sử dụng để nuôi thân. Tuy nhiên, nó cũng chứa nhiều loại enzyme, vitamin, khoáng chất và phân tử hữu cơ khác, làm cho mỗi loại mật đều độc đáo và đem đến một loạt các lợi ích sức khỏe cho ong.

Nhiều loài côn trùng có thể làm ra mật như ong vò vẽ, ong không chích, thậm chí cả ong bắp cày nhưng chỉ có ong mật mới làm ra đủ mật để dự trữ. Khả năng này không phải là dễ dàng có được; Nó phải trải qua hàng triệu năm tiến hóa.

Ong mật tách ra khỏi ong bắp cày khoảng 120 triệu năm trước, vào thời điểm cao trào tiến hóa và lan rộng của cây cỏ có hoa. Sự đa dạng hoa cỏ này cùng với sự thay đổi trong hành vi của ong khi nuôi ấu trùng ong bằng phấn hoa thay vì côn trùng đã thúc đẩy sự tiến hóa của khoảng 20.000 loài ong được biết đến ngày nay.

Ong bắt đầu thêm một chút mật hoa vào phấn hoa, và nhào nặn chúng thành các miếng dễ vận chuyển hơn. Chúng cũng hình thành các tuyến tiết sáp, vốn tạo ra cách lưu giữ mật hoa lỏng và phấn hoa cứng riêng rẽ.

 

Vật liệu xây dựng linh hoạt

"Sáp ong cho phép tạo ra một vật liệu xây dựng rất linh hoạt," Christina Grozinger, nhà côn trùng học tại Đại học bang Penn, vốn nghiên cứu các cơ chế tạo ra hành vi xã hội và sức khỏe của ong, cho biết.

Khi xây tổ, ong mật nặn sáp thành hình lục giác, hóa ra đây là hình dạng hiệu quả nhất để lưu trữ vì hình lục giác đan chặt vào nhau. "Đó là kỳ công kỹ thuật," Grozinger nói.

Việc tạo ra các ô nhỏ, đồng nhất còn có một lợi thế khác là làm cho diện tích bề mặt lớn hơn, nước bên trong sẽ bay hơi nhanh hơn. Từ đó, bên trong ít nước hơn nên vi khuẩn ít sinh trưởng hơn.

Quá trình làm ra mật để lấp đầy các ô đó bắt đầu ngay khi ong đi săn hút mật hoa lên. Mặc dù nhìn giống như là nó đang ăn mật, chất đường đó rốt cuộc không đến dạ dày nó, ít nhất là không theo nghĩa truyền thống. Nó giữ mật trong dạ dày mật ong, nơi mật trộn lẫn với nhiều enzyme khác nhau.

Một trong những enzyme đầu tiên kích hoạt là invertase, vốn tách đôi phân tử sucrose của mật hoa, đem lại glucose và fructose đơn (thật kỳ lạ, nghiên cứu cho thấy ong không có gene để tạo ra enzyme cắt sucrose này, mà là một vi khuẩn sống trong ruột ong có thể tạo ra nó).

Khi trở về tổ, ong mật nôn ra lượng mật nó chở về cho những con ong đầu tiên trong dây chuyền. Đường đi từ miệng đến miệng sau đó giảm lượng nước và tạo ra thêm nhiều enzyme, quy trình tiếp tục phân hủy mật hoa và ngăn chặn vi khuẩn phát triển.

Tiếp đó, những con ong đưa hỗn hợp này vào một ô ở trong tổ, sau đó làm cho nước bay hơi nhiều hơn bằng cách đập cánh.

Một enzyme khác - glucose oxidase - đi vào hoạt động giúp chuyển đổi một lượng glucose thành axit gluconic vốn giúp bảo quản mật. Phản ứng hóa học này cũng làm giảm độ pH (tăng độ axit) và tạo ra hydrogen peroxide, vốn ngăn vi khuẩn phát triển nhưng ở nồng độ cao có thể trở thành độc hại. Tuy nhiên, nhờ vào những enzyme khác nữa, có thể là do phấn hoa và nấm men đưa vào, giúp phá vỡ một số peroxide và giữ nồng độ của chúng trong tầm kiểm soát.

Cuối cùng, các ô trong tổ đã sẵn sàng để phủ sáp lên. Những con ong 'vú em' sẽ cho các con ong khác trong tổ ăn mật đã chế biến và phần mật còn lại sẽ được lưu giữ, để dành cho những ngày mưa, lạnh.

 

Thuốc ngọt

Vào năm 1998, nhóm của Berenbaum phát hiện rằng các loại mật ong khác nhau có các mức độ chất chống oxy hóa khác nhau tùy thuộc vào mật đó lấy từ hoa nào. "Điều đó khơi gợi sự quan tâm của tôi" bà nói.

Nhóm của bà sau đó phát hiện rằng những con ong mật được cho ăn nước đường trộn với hai hóa chất thực vật mật ong - axit p-coumaric và chất chống oxy hóa mạnh quercetin - chống chọi được thuốc trừ sâu tốt hơn so với những con ong chỉ được tiếp nước đường.

Ngoài ra, những con ong được tiếp nước có hóa chất thực vật sống lâu hơn những con khác, bà và các đồng nghiệp đã báo cáo phát hiện trên tạp chí Insects vào năm 2017.

Các nghiên cứu khác đã phát hiện tác dụng của các hóa chất thực vật bổ trợ trong mật ong. Axit abscisic củng cố phản ứng miễn dịch của ong, cải thiện thời gian chữa lành vết thương và khả năng chịu lạnh, theo kết quả nghiên cứu.

Các hóa chất thực vật khác bào mòn tác động của ký sinh trùng, một trong những nguyên nhân chính làm ong mật suy giảm: chẳng hạn cho ong mật nhiễm nấm một loại si rô có thymol, một hóa chất từ cây húng tây, giúp giảm hơn một nửa lượng bào tử nấm.

 

Hóa chất thực vật thậm chí còn được chứng tỏ là ức chế vi khuẩn gây ra bệnh thối ấu trùng u và Mỹ, riêng căn bệnh ở Mỹ rất tàn hại và lây lan mạnh mà đốt cháy toàn bộ tổ là cách làm được khuyến khích để ngăn bệnh lây lan.

Một số hóa chất thực vật dường như phát huy tác dụng bằng cách tăng cường hoạt động của các gene liên quan đến giải độc và miễn dịch. Ví dụ, khi ong được tiếp hóa chất mật hoa như anabasine, thì một gene chịu trách nhiệm tạo protein kháng khuẩn sẽ tăng cường sản xuất, một nhóm nghiên cứu cho biết trên Tạp chí Côn trùng học Kinh tế vào năm 2017.

Và hóa chất thực vật có thể bảo vệ sức khỏe bằng cách giữ cho cộng đồng vi sinh vật sống bên trong và trên cơ thể ong được thỏa mãn: đó là hệ vi sinh của ong. Caffeine, axit gallic, axit p-coumaric và kaempferol đều tăng cường sự đa dạng và số lượng vi khuẩn đường ruột của ong mật, các nhà nghiên cứu cho biết năm ngoái trên Tạp chí Vi sinh ứng dụng.

Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh ở ong mật có liên quan đến tần suất nhiễm ký sinh ít hơn. Ong mật thậm chí còn chọn loại mật giúp cải thiện sức khỏe khi chúng bị bệnh. Những con ong bệnh thích mật hướng dương, vốn cũng là loại thuốc tốt nhất cho căn bệnh này và có hoạt tính kháng sinh cao nhất, nhóm nghiên cứu cho biết trong Tạp chí Sinh thái hành vi và Sinh học xã hội.

Tìm hiểu thêm: honey mật ong Manuka Doctor UK
← Bài trước Tất cả bài viết Bài sau →