Mỹ phẩm chống nắng giúp hấp thụ hoặc phản xạ một số bức xạ tia cực tím (UV) của ánh nắng mặt trời, do đó chúng giúp da chống lại cháy nắng. Các sản phẩm này thường được gọi chung là kem chống nắng nhưng thực tế chúng có thể là kem dưỡng da, xịt chống nắng, gel thoa chống nắng hoặc các sản phẩm đặc trị khác. Sử dụng kem chống nắng thường xuyên cũng có thể bảo vệ da khỏi ung thư da, lão hóa da sớm và các nguy cơ khác khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
Tùy thuộc vào các dạng, kem chống nắng có thể được phân loại thành kem chống nắng vật lý (nghĩa là những loại phản chiếu ánh sáng mặt trời) hoặc kem chống nắng hóa học (tức là những loại chống lại tia cực tím).
Phân biệt kem chống nắng vật lý và hóa học: loại nào tốt hơn?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA khuyên bạn nên
- Hạn chế thời gian ở ngoài nắng, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, khi tia nắng mặt trời có cường độ mạnh nhất.
- Mặc quần áo để che vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như áo sơ mi tay dài, quần dài, kính râm và đội mũ rộng vành.
- Thường xuyên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với giá trị SPF từ 15 trở lên theo chỉ dẫn.
- Bôi lại kem chống nắng ít nhất hai giờ một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đổ mồ hôi hay hoạt động mạnh dưới nước.
Đọc hiểu thông tin trên nhãn kem chống nắng
Kem chống nắng phổ rộng (Broad spectrum)
Kem chống nắng phổ rộng giúp bảo vệ khỏi bức xạ tia cực tím (UV) của áng nắng mặt trời. Có hai loại bức xạ UV mà bạn cần bảo vệ mình là UVA và UVB. Các sản phẩm chống nắng phổ rộng giúp bảo vệ chống lại cả hai bằng cách cung cấp một lớp hàng rào hóa học để hấp thụ hoặc phản xạ bức xạ UV trước khi nó có thể làm tổn thương da.
Không phải tất cả các sản phẩm chống nắng đều có phổ rộng. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải thấy được nó trên nhãn của sản phẩm.
FDA qui định các loại kem chống nắng không có phổ rộng hoặc SPF nhỏ hơn 15 phải có cảnh báo: "Skin Cancer/Skin Aging Alert: Spending time in the sun increases your risk of skin cancer and early skin aging. This product has been shown only to help prevent sunburn, not skin cancer or early skin aging.”
Tạm dịch là: "Cảnh báo về ung thư da / Lão hóa da: Ở dưới ánh nắng mặt trời làm tăng nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm. Sản phẩm này đã được chứng minh là chỉ giúp ngăn ngừa cháy nắng chứ không phải ung thư da hoặc lão hóa da sớm."
Chỉ số bảo vệ chống nắng (SPF - Sun Protection Factor)
Chỉ số SPF cho biết mức độ chống nắng do sản phẩm chống nắng mang lại. Tất cả các loại kem chống nắng đều được thử nghiệm để đo lường mức độ tiếp xúc bức xạ UV gây cháy nắng khi sử dụng kem chống nắng so với khi không sử dụng kem chống nắng. Sau đó, sản phẩm được dán nhãn với giá trị SPF thích hợp.
Chỉ số SPF cao hơn (lên đến 50) cung cấp khả năng chống nắng cao hơn. Tuy nhiên, do chỉ số SPF được xác định từ một thử nghiệm đo lường khả năng bảo vệ chống lại cháy nắng do bức xạ UVB gây ra nên SPF chỉ cho biết khả năng bảo vệ khỏi tia UVB của kem chống nắng. Khác với kem chống nắng phổ rộng, bảo vệ khỏi tia UVA và UVB.
Kem chống nắng vượt qua bài kiểm tra phổ rộng có thể chứng minh rằng chúng cũng cung cấp khả năng bảo vệ khỏi tia UVA. Kể từ tháng 6 năm 2011, FDA có các yêu cầu về nhãn dán trên sản phẩm. Theo đó, đối với kem chống nắng có nhãn "Broad Spectrum SPF ..." thì chúng có khả năng bảo vệ khỏi cả bức xạ UVA và UVB.
Để có được hiệu quả bảo vệ tốt nhất của kem chống nắng, hãy chọn loại có chỉ số SPF từ 15 trở lên. Nếu bạn có làn da trắng, hãy chọn loại SPF cao hơn, từ 30 đến 50.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến là SPF liên quan đến thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Ví dụ như nhiều người tin rằng, nếu bình thường da họ bị cháy nắng trong một giờ, thì kem chống nắng có SPF 15 cho phép họ ở dưới nắng trong 15 giờ (lâu hơn 15 lần) mà không bị cháy nắng. Điều này không đúng vì SPF không liên quan trực tiếp đến thời gian tiếp xúc với mặt trời mà là lượng tiếp xúc với mặt trời.
Nắng mạnh hơn vào giữa ngày so với sáng sớm và chiều tối. Điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ bị cháy nắng cao hơn vào giữa ngày (lượng tiếp xúc với mặt trời cao hơn). Cường độ ánh nắng mặt trời cũng liên quan đến vị trí địa lý (cường độ mặt trời lớn hơn khi bạn ở vĩ độ thấp hơn, tức là ở gần vùng xích đạo hơn. Việt Nam ở vĩ độ từ 23 độ Bắc đến 8 độ Bắc).
Các thành phần chống nắng
Đối với kem chống nắng, các thành phần hoạt tính là những thành phần bảo vệ làn da của bạn khỏi tia UV có hại của ánh nắng mặt trời. Thành phần không hoạt động là tất cả các thành phần khác (không phải là thành phần hoạt tính), chẳng hạn như nước hoặc dầu có thể được sử dụng trong công thức kem chống nắng.
Dưới đây là danh sách các thành phần hoạt tính được chấp nhận trong các sản phẩm được dán nhãn là kem chống nắng
Aminobenzoic acid | Octisalate | |
Avobenzone | Oxybenzone | |
Cinoxate | Padimate O | |
Dioxybenzone | Ensulizole | |
Homosalate | Sulisobenzone | |
Meradimate | Titanium dioxide | |
Octocrylene | Trolamine salicylate | |
Octinoxate | Zinc oxide |
Mặc dù hoạt động bảo vệ của các sản phẩm chống nắng diễn ra trên bề mặt da nhưng có bằng chứng cho thấy một số hoạt chất chống nắng có thể được hấp thụ qua da và đi vào cơ thể. Điều quan trọng là phải thực hiện các nghiên cứu để xác định xem, và ở mức độ nào, việc sử dụng các sản phẩm chống nắng theo chỉ dẫn có thể dẫn đến việc tiếp xúc toàn thân, mãn tính ngoài ý muốn với các hoạt chất chống nắng hay không. Do vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm uy tín để đảm bảo rằng nhà sản xuất có thực hiện việc kiểm tra này.
Hạn sử dụng kem chống nắng
Tại Mỹ, FDA yêu cầu tất cả kem chống nắng phải có ngày hết hạn trừ khi nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm cho thấy sản phẩm sẽ duy trì ổn định trong ít nhất ba năm. Điều đó có nghĩa là, một sản phẩm kem chống nắng không có in ngày hết hạn (expiration date - EXP) sẽ được coi là hết hạn sau ba năm kể từ khi mua.
Qui định này cũng đúng với mỹ phẩm trên thế giới nói chung. Trừ khi ngày hết hạn được in rõ trên bao bì sản phẩm, các sản phẩm không có in ngày hết hạn sẽ có hạn sử dụng trên ba năm. Các cơ quan quản lý cũng yêu cầu mỹ phẩm bán trên thì trường phải còn thời hạn trên ba năm khi đến tay người mua. Do vậy, nếu bạn mua mỹ phẩm tại Mỹ, Châu Âu hay Nhật (những nơi quản lý tốt về điều này) thì bạn cộng thêm ba năm kể từ ngày mua đối với các sản phẩm không có in ngày hết hạn trên bao bì.
Để đảm bảo rằng kem chống nắng của bạn cung cấp khả năng chống nắng như được cam kết trong nhãn của nó, FDA khuyến nghị bạn không sử dụng các sản phẩm kem chống nắng đã qua ngày hết hạn (nếu có) hoặc không có ngày hết hạn và không được mua trong vòng ba năm qua. Nên bỏ kem chống nắng hết hạn sử dụng vì không có gì đảm bảo rằng chúng vẫn an toàn và hiệu quả đầy đủ.
Cách sử dụng kem chống nắng
- Thoa lên da 15 phút trước khi bạn đi ra ngoài. Điều này cho phép kem chống nắng (chỉ số SPF từ 15 trở lên) có đủ thời gian để hoạt động hiệu quả nhất.
- Dùng một lượng vừa đủ để thoa lên toàn bộ khuôn mặt (tránh vùng mắt và miệng) và cơ thể (từ đầu đến chân).
Những điểm thường hay bị bỏ sót
Hai bên lỗ tai | Hai bàn tay | |
Mũi | Hai bàn chân | |
Môi | Dọc theo đường chân tóc | |
Sau gáy | Các vùng da trên đầu lộ ra do tóc thưa hoặc hói |
Bạn cần hiểu về làn da của bạn để sử dụng kem chống nắng phù hợp. Những người da trắng có khả năng hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn những người da sẫm màu trong cùng điều kiện.
Thoa lại ít nhất hai giờ một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hay bị đổ mồ hôi.
Không có kem chống nắng không thấm nước (water proof)
Các loại kem chống nắng thể thao có khả năng chống nước và mồ hôi nhưng bạn nên biết rằng không có loại kem chống nắng nào là “không thấm nước”. Tất cả các loại kem chống nắng cuối cùng đều cũng sẽ bị trôi. Kem chống nắng có nhãn "chống nước - water resistant" bắt buộc phải được kiểm tra khả năng duy trì hiệu quả chống nắng theo đúng quy trình kiểm tra chỉ số SPF trong một khoảng thời gian nhất định. Trên nhãn loại kem này phải ghi rõ liệu kem chống nắng có còn hiệu quả trong 40 phút hoặc 80 phút khi bơi hay đổ mồ hôi không. Tất cả các loại kem chống nắng cũng phải cung cấp hướng dẫn về thời gian thoa lại.
Bảo quản kem chống nắng
Để giữ cho kem chống nắng của bạn trong tình trạng tốt, FDA khuyến cáo rằng các hộp đựng kem chống nắng không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đây là lý do tại sao tất cả các nhãn kem chống nắng đều ghi: “Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và tránh xa ánh nắng mặt trời”.
Do vậy, bạn nên bảo vệ kem chống nắng bằng cách bọc các hộp đựng trong khăn hoặc để chúng trong bóng râm. Hộp đựng kem chống nắng cũng có thể được giữ trong tủ mát khi ở ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài.
Kem chống nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ em
Kem chống nắng không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh. FDA khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và sử dụng quần áo bảo vệ nếu chúng phải ở dưới ánh nắng mặt trời.
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn người lớn về các tác dụng phụ của kem chống nắng, chẳng hạn như phát ban. Cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ sơ sinh là để chúng tránh hoàn toàn ánh nắng mặt trời. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thoa kem chống nắng cho trẻ em dưới sáu tháng tuổi.
Đối với trẻ em trên sáu tháng tuổi, FDA khuyến cáo sử dụng kem chống nắng theo hướng dẫn trên nhãn Thông tin Thuốc (Drug Facts).
Các loại kem chống nắng
Kem chống nắng có nhiều loại và nhiều dạng khác nhau, bao gồm
Sữa dưỡng (lotion) | Dầu dưỡng (oil) | |
Kem dưỡng (cream) | Bơ dưỡng (butter) | |
Dạng thỏi stick | Dạng bột nhão (paste) | |
Dạng gel | Chai xịt (spray) |
Hướng dẫn sử dụng các sản phẩm kem chống nắng có thể khác nhau tùy theo dạng của chúng. Ví dụ, kem chống nắng dạng xịt không bao giờ được thoa trực tiếp lên mặt. Đây chỉ là một lý do tại sao bạn nên luôn đọc nhãn trước khi sử dụng sản phẩm kem chống nắng.
Lưu ý: Tại Mỹ, FDA không cho phép tiếp thị các sản phẩm kem chống nắng không kê đơn ở dạng khăn lau, khăn tắm, bột, sữa tắm hoặc dầu gội.
Kem chống nắng từ các nước khác nhau
Ở Châu Âu và một số quốc gia khác, kem chống nắng được coi là mỹ phẩm chứ không phải là thuốc và phải tuân theo các yêu cầu tiếp thị về mỹ phẩm.
Tuy nhiên, tại Mỹ thì bất kỳ loại kem chống nắng nào cũng đều được coi là thuốc vì nó có mô tả của thuốc như giúp ngăn ngừa cháy nắng hoặc làm giảm nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm do ánh nắng mặt trời gây ra.
Các câu hỏi thường gặp về kem chống nắng
1. Bạn nên thoa lại kem chống nắng bao lâu một lần khi đi ra ngoài?
- Nên thoa kem chống nắng ít nhất hai giờ một lần khi bạn ra ngoài.
2. Một nghiên cứu gần đây của FDA cho thấy một số thành phần kem chống nắng được hấp thụ vào cơ thể. Điều này có nghĩa là gì?
- Bạn vẫn tiếp tục sử dụng kem chống nắng theo chỉ dẫn. Bằng chứng về sự hấp thụ không có nghĩa là những thành phần này không an toàn, chỉ là nó yêu cầu cần có thêm dữ liệu.
- Ngoài ra, hãy sử dụng thêm các phương pháp khác để bảo vệ bản thân như đeo kính râm, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (đặc biệt là khi tia UV của mặt trời mạnh nhất, thường từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều), mặc quần áo bảo hộ và đội mũ rộng vành, tìm bóng râm để trú ẩn. Kem chống nắng có cả Broad Spectrum và SPF 15 trở lên đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bị cháy nắng, lão hóa da sớm và ung thư da. FDA đã yêu cầu ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm chống nắng cung cấp thêm thông tin an toàn về một số thành phần kem chống nắng vì kiến thức khoa học đã phát triển và chúng ta sử dụng kem chống nắng thường xuyên hơn những năm trước.
3. Kem chống nắng có dùng được cho trẻ sơ sinh không?
- Kem chống nắng không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi.
- Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn người lớn về các tác dụng phụ của kem chống nắng, chẳng hạn như phát ban. Cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ sơ sinh là để chúng tránh hoàn toàn dưới ánh nắng mặt trời.
- Trẻ sơ sinh nên tránh nắng trong khoảng thời gian 10 giờ sáng và 2 giờ chiều, và sử dụng quần áo bảo vệ cho trẻ nếu trẻ phải ở dưới ánh nắng mặt trời. Cho trẻ sơ sinh mặc quần dài, áo sơ mi dài tay và đội mũ có vành che cổ để tránh bị cháy nắng.
4. Cơ quan quản lý khuyến cáo bạn không nên sử dụng các sản phẩm kem chống nắng đã quá hạn sử dụng. Nếu không có ngày hết hạn trên bao bì sản phẩm, bạn phải làm gì?
- Nó có thể sử dụng bình thường nếu nó được mua trong vòng ba năm trở lại đây và được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Loại bỏ kem chống nắng đã hết hạn sử dụng vì không có gì đảm bảo rằng chúng vẫn an toàn và có hiệu quả đầy đủ.
5. Đúng hay Sai: Tất cả các loại kem chống nắng đều có tác dụng bảo vệ da khỏi bị cháy nắng, nhưng chỉ những loại có SPF 15 trở lên và phổ rộng được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm?
- Đúng.
6. Đúng hay Sai: Nếu đổ mồ hôi hoặc đi bơi, bạn cần thoa lại kem chống nắng thường xuyên hơn 2 giờ một lần ngay cả khi kem chống nắng có khả năng chống nước?
- Đúng. Kem chống nắng đáp ứng các tiêu chí nhất định có thể được dán nhãn là chống nước trong một khoảng thời gian, có nghĩa là bạn cần phải làm theo hướng dẫn trong nhãn sản phẩm để thoa lại thường xuyên hơn 2 giờ một lần nếu bạn đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước. Ngoài ra, bạn nên thoa lại kem chống nắng sau khi lau khô vì việc lau khăn có thể làm trôi lớp kem chống nắng trên cơ thể.
7. Khi nào nên thoa kem chống nắng?
- Bạn nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF từ 15 trở lên, ngay cả trong những ngày nhiều mây.
8. Đúng hay Sai: Làn da rám nắng là khỏe mạnh?
- Sai. Bất kỳ sự thay đổi màu sắc nào cũng là dấu hiệu của làn da bị tổn thương ở bất kỳ loại da nào. Tác hại của ánh nắng mặt trời đối với cơ thể là do bức xạ tia cực tím (UV) không nhìn thấy được. Cháy nắng là một dạng tổn thương da do ánh nắng mặt trời gây ra. Rám nắng cũng là một dấu hiệu cho thấy da phản ứng với bức xạ UV có khả năng gây hại bằng cách tạo ra sắc tố bổ sung cung cấp cho da một số bảo vệ nhưng thường là không đủ để chống lại cháy nắng.
9. Kem chống nắng có chỉ số SPF 15 có nghĩa là gì?
- Cần gấp 15 lần năng lượng mặt trời để tạo ra vết cháy nắng trên da nếu đã thoa kem SPF 15 so với da không được bảo vệ gì.
- SPF là thước đo lượng năng lượng mặt trời (bức xạ UV) cần thiết để tạo ra cháy nắng trên da được bảo vệ (tức là da đã được thoa kem chống nắng) so với lượng năng lượng mặt trời cần thiết để tạo ra cháy nắng trên da không được bảo vệ. Khi giá trị SPF tăng, khả năng chống nắng sẽ tăng lên. Điều quan trọng cần nhớ là có những yếu tố khác ngoài lượng thời gian bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến mức độ SPF bạn cần. Ví dụ: cường độ của mặt trời và vị trí địa lý bạn đang ở sẽ ảnh hưởng đến lượng năng lượng mặt trời mà bạn tiếp xúc. Ngoài ra, khi bạn thoa lại kem chống nắng thì không có nghĩa là da bạn trở lại như ban đầu: bất kỳ tác hại nào của ánh nắng mặt trời mà làn da của bạn đã trải qua trước khi thoa vẫn còn đó. Tuy nhiên, việc thoa lại kem chống nắng thường xuyên có thể làm giảm khả năng hấp thụ tia UV từ bức xạ mặt trời.